Bác Hồ với công tác giáo dục Thanh niên

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí đặc biệt của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng, tương lai của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người rất coi trọng việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. Người thường xuyên động viên tuổi trẻ tu dưỡng đạo đức, không ngừng học tập vươn lên để xứng đáng là người chủ tương lai của nước nhà.

Hồ Chí Minh cho rằng thanh niên là lớp trẻ tuổi có hoài bão, ước mơ, giàu nghị lực và rất khao khát với lý tưởng cao đẹp, có đức xả thân vì nghĩa lớn và lòng vị tha sâu sắc. Đó là một lứa tuổi đang ở thời kỳ sung sức, vươn lên đón nhận; lứa tuổi ham hiểu biết, khám phá, tự thể nghiệm mình, có khả năng tiềm ẩn trong việc thực hiện lý tưởng, niềm tin và mục tiêu cao quý của xã hội. Chính vì vậy, ngay từ thời còn trẻ tuổi, Người đã rất quan tâm đến Thanh niên. Và sau này, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn luôn chăm lo giáo dục thanh niên, mạnh dạn giao nhiệm vụ và từng bước dìu dắt họ tham gia đấu tranh cách mạng. Từ những năm đầu thế kỷ XX, Người đã nói: muốn thức tỉnh dân tộc, trước hết phải thức tỉnh thanh niên. Người kêu gọi: Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên sớm già của Người không sớm hồi sinh”. Thanh niên trong tư tưởng của Người là lực lượng trẻ, khỏe, đông đảo trong xã hội; họ là “người chủ tương lai của nước nhà”. Vận mệnh nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn là “do các thanh niên”.
Người luôn đánh giá cao tiềm năng, vai trò cống hiến và có cái nhìn rất mới rất mới về thanh niên “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường 9-1945); “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” (Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên Đán năm 1946) . Bởi theo Người, thanh niên là thời kỳ đẹp nhất, sôi động nhất như mùa xuân trăm hoa đua nở, tràn đày nhựa sống. Đó là hình ảnh nói lên sức trẻ có thể đào núi, lấp biển, mà cả dân tộc và xã hội luôn kỳ vọng, tin yêu. Phát huy sức trẻ, tinh thần sẵn sàng: “Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”; phải đoàn kết chặt chẽ, kiên trì phấn đấu, vượt mọi khó khăn, thi đua học tập và lao động sản xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Người còn căn dặn “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. “Là người tiếp sức cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”. Do vậy, Người đặc biệt quan tâm tổ chức, bồi dưỡng đoàn viên thanh niên thành đội xung kích cách mạng, lực lượng hậu bị của Đảng nhằm kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của giai cấp và dân tộc.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh việc giáo dục trí lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững khoa học kỹ thuật, mỗi đoàn viên, thanh niên cần phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa và gột rửa chủ nghĩa cá nhân. “Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì lợi ích cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người”. Do vậy, đối với thế hệ trẻ, trước hết là đoàn viên, thanh niên phải luôn nỗ lực, rèn luyện đạo đức cách mạng: thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; sống trong sạch, có chí tiến thủ và đoàn kết, không kiêu ngạo; tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; phê phán những thói hư, tật xấu; thường xuyên tiến hành phê bình và tự phê; một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, sẵn sàng xả thân cho đất nước… điều đó được thể hiện ở ngay trong suy nghĩ và hành động hàng ngày của mỗi đoàn viên, thanh niên.

– Sưu tầm –