Niềm vui bình dị “ngày trở về” của các chiến binh trên tuyến đầu chống dịch

Hay tin cô con gái, đã 2 tháng ròng trực chiến trên tuyến đầu chống dịch, sẽ được về nhà vào ngày mai, bà Hương đã có một đêm mất ngủ.

Bế cháu gái vừa tròn 1 tuổi trên tay, bà Lê Thị Hương, mẹ của chị Lê Thị Ngọc, kỹ thuật viên khoa Vi sinh – Sinh học phân tử, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nhẩm đếm từng phút một chờ đón con gái được về nhà, sau hơn 2 tháng trời ròng rã chống dịch.

Vừa hôm trước, người phụ nữ này đã có một đêm mất ngủ vì biết tin hôm nay con gái sẽ về. “Cái đêm đó, không hiểu sao nó lại dài đến thế. Tôi cứ thao thức mãi, chẳng ngủ được”, bà Hương kể.

Không thao thức sao được, bởi sau khi chị Ngọc lập gia đình đến nay, lâu nhất cũng chỉ 1 tuần là con gái và con rể lại sang chơi, thế mà từ lúc dịch Covid-19 bước vào giai đoạn 2, bà và các con chỉ có thể gặp nhau qua những cuộc điện thoại vội, nhưng điều khiến bà sốt ruột nhất lại là vì thương đứa cháu ngoại, vừa chỉ mới 1 tuổi đã phải xa bố mẹ. Bà tâm sự: “Cháu tôi còn nhỏ quá, cứ sợ bố mẹ nó đi lâu nó lại quên mất”.

Khi bà ngoại trở thành người mẹ thứ 2

Một ngày đầu tháng 3, thấy con gái bế cháu sang nhà, lại xách theo túi đồ to bà Hương đã thấy làm lạ nhưng cũng không tiện hỏi. Mẹ con trò chuyện được 1 hồi thì Ngọc bất ngờ thông báo: “Ngày mai cả vợ chồng con phải ở lại Bệnh viện để chống dịch, chưa biết khi nào sẽ về. Nhờ mẹ trông Mun (con gái chị Ngọc – PV) giùm, bình sữa và đồ đạc của cháu con đã chuẩn bị sẵn ở đây”. Nghe con nói, bà bần thần vì biết cháu còn bú sữa mẹ. “Thế bây giờ Mun ăn uống làm sao?” – Bà hỏi con mặc dù cũng đã biết trước câu trả lời.

Hơn 2 tháng qua là một giai đoạn khó khăn với gia đình nhỏ này. Trên tuyến đầu, vợ chồng Ngọc căng sức chống dịch với những ca làm việc thâu đêm và thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm, thì nơi hậu phương lại cũng lại có những khó khăn riêng.

“Thời gian đầu cháu phải tập cai sữa mẹ hoàn toàn, chuyển sang ăn cháo và uống sữa ngoài, không quen nên hay quấy khóc. Tôi sốt ruột lắm” – Bà Hương kể – “Nhiều khi cháu nó bột phát nhớ mẹ, lại cứ tự đi tìm trong các phòng, tôi theo sau nghĩ thương cháu mà rớt nước mắt”.

Không ít lần bế cháu ra ngoài đường, bà con làng xóm lại hỏi thăm: “Khi nào cái Ngọc về?”, bà cũng chỉ cười trừ, bởi ngay chính bà và con gái vẫn chưa thể biết câu trả lời, khi mà lúc bấy giờ, dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp.

Từ khi Ngọc lên đường nhận nhiệm vụ trực chiến tại Bệnh viện, người phụ nữ này chỉ mong cho thời gian trôi qua thật nhanh để sớm đến ngày về của con: “Ban ngày tôi lại trông cho đến tối; tối lại trông cho nhanh đến sáng hôm sau”.

Niềm vui bình dị trong “ngày trở về”

“Bà ơi Mun đâu rồi?”, tiếng của Ngọc vọng lên từ ngoài sân khiến không gian như vỡ òa. Bé Mun nghe tiếng mẹ liền lon ton chạy ra. Về phần bà Hương, dù 2 tháng qua mong con về từng ngày một nhưng giây phút đoàn tụ, người phụ nữ này chỉ cần trông thấy các con khỏe mạnh, biết là cháu gái đã được đoàn tụ với bố mẹ, thế là đủ!

Bữa cơm đoàn tụ đầu tiên sau một thời gian dài cả gia đình xa cách vì dịch cũng thật đơn giản nhưng lại vô cùng đầm ấm. Bận trông cháu nên bà Hương chưa kịp chuẩn bị nhiều món ăn thịnh soạn cho các con, nhưng với Ngọc, dù suốt thời gian qua chống dịch tại Bệnh viện, mọi bữa ăn đều rất đầy đủ, thì bữa cơm vội này vẫn là ngon nhất, bởi nó có thêm một thứ gia vị đặc biệt: Gia đình.

Tối hôm đó, Ngọc mải ngắm con ngủ mà quên mất trời đã về khuya. Đối với cô lúc này, cảm giác như mình vừa hoàn thành được một điều ước. “Ngắm con mà cảm giác cứ lâng lâng, thỉnh thoảng tôi lại trộm hôn vào má bé 1 cái thật khẽ, để bù lại quãng thời gian vừa qua” – Ngọc tâm sự.

2 tháng xa cách nhưng cuộc đoàn tụ này cũng sẽ chỉ kéo dài vỏn vẹn 1 tuần, sau đó, vợ chồng Ngọc lại tiếp tục trở lại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bởi dịch bệnh vẫn còn đó. Chia sẻ với chúng tôi, kỹ thuật viên này cho biết, bản thân cô cũng như tất cả các thành viên trong gia đình đang cố gắng tận hưởng trọn vẹn nhất 1 tuần quý giá này, bằng cách trân trọng từng khoảnh khắc khi mọi người vẫn còn sum vầy bên nhau.

Chỉ vài ngày nữa là các con lại lên đường chống dịch, bà Hương lại sắp sửa tất bật để bù vào khoảng trống của người bố, người mẹ xa nhà của bé Mun.

Tuy nhiên, những khó khăn đó với bà, không thể nào sánh bằng sự tự hào của 1 người mẹ có cả con gái và con rể cùng là chiến binh chống giặc Covid-19 trên tuyến đầu.

“Các con lên đường, biết 2 đứa sẽ lại rất vất vả, nhưng vất vả để đem lại sự bình yên cho mọi người, thì đối với người mẹ như tôi quả thực không có gì hạnh phúc bằng”, bà Hương tự hào miệng nói mà khóe mắt ậng nước.

– Theo Dân trí –