Thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển đại học 2023, bí quyết dễ trúng tuyển

Từ hôm nay (10/7) đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học thức trực tuyến với số lần không giới hạn.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ tại địa chỉ https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để nhập, sửa, xem thông tin.

Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Hệ thống xét tuyển sẽ dựa trên dữ liệu điểm thi mà thí sinh có để đưa ra 1 nguyện vọng trúng tuyển tối ưu nhất.

Thí sinh lựa chọn căn cứ để xét tuyển, bao gồm các thông tin: Thứ tự nguyện vọng; mã trường, tên trường; mã nhóm ngành, ngành hoặc chương trình; tên nhóm ngành, ngành hoặc chương trình và căn cứ để xét tuyển đối với các nguyện vọng đã đăng ký phải phù hợp với yêu cầu, điều kiện của cơ sở đào tạo.

Các nguyện vọng xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT (học bạ), kết quả kỳ thi độc lập, kết quả đánh giá năng lực, kết quả đánh giá tư duy, kết quả khác…

Năm nay, Bộ GD&ĐT cải tiến phần mềm nhằm tránh việc thí sinh nhầm lẫn phương thức, tổ hợp xét tuyển. Thí sinh chỉ đăng ký trường, ngành, chương trình đào tạo.

Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm ở các trường vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống. Nếu không, thí sinh đã từ bỏ quyền trúng tuyển vào ngành/trường đó.

Sau khi hoàn thành đăng ký nguyện vọng, từ 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển.

TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh – Truyền thông, Trường Đại học Gia Định, khuyên rằng dù Bộ GD&ĐT không bị giới hạn nguyện vọng nhưng thí sinh cũng không cần chọn nhiều để tránh tốn kém.

“Các em nên chọn trọng tâm 1-3 trường yêu thích, mỗi trường chọn tối đa 3 nguyện vọng. Nếu trước đó đã có kết quả trúng tuyển sớm, thí sinh cần tính toán, sắp xếp thứ tự các nguyện vọng hợp lý để tăng khả năng trúng tuyển nguyện vọng mình yêu thích nhất”, ông Toàn nói.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), chia sẻ tại một chương trình Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp rằng, ngành nào thích nhất, thí sinh xếp ở nguyện vọng cao nhất.

Đồng thời, dù được đăng ký nguyện vọng không giới hạn số lượng nhưng không cần đăng ký quá nhiều. Năm học trước, có những thí sinh đăng ký hơn 100 nguyện vọng, nhưng chắc chắn sẽ không dùng hết.

“Chiến thuật là đừng dồn vào một nhóm các nguyện vọng có điểm xét tuyển tương đồng nhau, chúng ta nên phân bố một cách phù hợp để giảm thiểu rủi ro. Có đăng ký 100 nguyện vọng cũng chưa chắc tăng cơ hội trúng tuyển nếu chúng ta không biết sắp xếp phù hợp”, bà Thủy phân tích.

Về điểm mới, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay, quy chế được ban hành và áp dụng năm 2022 nhưng có những điều khoản có hiệu lực vào năm 2023. Trong đó có quy định điểm ưu tiên khu vực chỉ được áp dụng trong 2 năm (năm thí sinh thi tốt nghiệp THPT và một năm kế tiếp) nếu thí sinh muốn sử dụng để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Điểm ưu tiên cả khu vực và đối tượng khi được cộng vào điểm xét tuyển có sự giảm dần tuyến tính, khi tổng điểm xét tuyển ở một ngưỡng nhất định.

Ví dụ, thang điểm quy về 30 điểm, tổng điểm 3 môn từ 22,5 điểm cộng điểm ưu tiên sẽ giảm dần một cách tuyến tính, để khi thí sinh đạt được điểm tối đa là 30 điểm, không cần phải cộng điểm ưu tiên nữa và có thể cạnh tranh công bằng với các thí sinh trên cả nước.

Theo Dân trí